Luật Điện Lực 2024 đánh dấu sự thay đổi lớn trong quản lý hoạt động điện lực khi đã tập trung vào phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Một trong những thay đổi đáng chú ý là việc bãi bỏ quy định về giấy phép trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực, đồng thời quy định rõ ràng hơn về điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực. Để triển khai Luật Điện Lực 2024, vào ngày 04/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị Định 61/2025/NĐ-CP quy định chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, miễn trừ, thu hồi giấy phép, thời hạn và các nội dung liên quan (“Nghị Định 61”).
Theo Luật Điện Lực 2024, các lĩnh vực bắt buộc phải có giấy phép hoạt động điện lực bao gồm: phát điện, truyền tải, phân phối, bán buôn và bán lẻ điện. Hoạt động “bán buôn” và “bán lẻ” đã được định nghĩa tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 4 Luật Điện Lực 2024. Tuy nhiên, các hoạt động còn lại như phát điện, truyền tải và phân phối vẫn chưa được định nghĩa.
1. Điều Kiện Cấp Giấy Phép Hoạt Động Điện Lực
Để được cấp giấy phép hoạt động điện lực, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện chung theo Điều 31 Luật Điện Lực 2024. Bên cạnh đó, tùy theo từng lĩnh vực cụ thể mà tổ chức tham gia mà tổ chức đó còn phải đáp ứng các điều kiện riêng.
Đối với lĩnh vực phát điện, doanh nghiệp cần thỏa mãn các điều kiện cụ thể sau:
1.1. Có đội ngũ gồm ít nhất 01 quản lý kỹ thuật có thời gian làm việc trong lĩnh vực phát điện ít nhất 05 năm và có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành: kỹ thuật điện, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, tự động hóa hoặc ngành kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật khác; và ít nhất 04 nhân sự trực tiếp tham gia công tác vận hành được đào tạo, kiểm tra đáp ứng yêu cầu về vận hành nhà máy điện theo quy định về điều độ, vận hành hệ thống điện quốc gia; được huấn luyện, sát hạch đáp ứng yêu cầu theo quy định về an toàn điện và đáp ứng điều kiện chuyên môn theo Nghị Định 61;
1.2. Có hạng mục công trình, công trình phát điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh;
1.3. Có dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ trường hợp không cần chấp thuận chủ trương đầu tư;
1.4. Có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường;
1.5. Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất hoặc cho thuê đất, giao khu vực biển để thực hiện dự án;
1.6. Có hạng mục công trình, công trình phát điện được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; và
1.7. Có hạng mục công trình, công trình phát điện được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế được phê duyệt, đáp ứng điều kiện đưa hạng mục công trình, công trình vào khai thác, sử dụng.
Riêng đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ và bán điện dư vào lưới điện quốc gia hoặc tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp, nếu có quy mô công suất lắp đặt nhỏ (<10MW), thì không cần đáp ứng điều kiện (a) về số lượng tối thiểu nhân sự trong đội ngũ quản lý, vận hành. Quy định này nhằm tránh lãng phí nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án quy mô nhỏ.
2. Giấy Phép Hoạt Động Điện Lực
2.1. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện có thời hạn 20 năm. Thời hạn của giấy phép được cấp theo thời hạn của giấy phép cũ trong các trường hợp cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực.
2.2. Giấy phép có thể được cấp với thời hạn ngắn hơn quy định trong các trường hợp:
(a) Thời hạn hoạt động còn lại của dự án, công trình phát điện ngắn hơn 20 năm, cấp theo thời hạn hoạt động còn lại của dự án, công trình phát điện;
(b) Trường hợp hạng mục công trình, công trình được nghiệm thu có điều kiện đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào khai thác, sử dụng hoặc một phần công trình xây dựng đã được thi công hoàn thành và đáp ứng các điều kiện đưa vào khai thác tạm theo pháp luật xây dựng;
(c) Căn cứ điều kiện thực tế về hạng mục công trình điện, phương án bán buôn, bán lẻ điện, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền cấp giấy phép phát điện có thời hạn ngắn hơn 20 năm;
(d) Trừ 03 trường hợp nêu trên, giấy phép có thể được cấp với thời hạn ngắn hơn so với quy định, theo đề nghị của tổ chức được cấp phép, cụ thể như sau:
(i) Trường hợp cấp mới: Đối với giấy phép phát điện, tổ chức có thể đề nghị cấp giấy phép với thời hạn ngắn hơn 20 năm;
(ii) Trường hợp gia hạn: Thời hạn gia hạn không vượt quá thời điểm chuyển giao tài sản, công trình điện lực hoặc thời điểm dự án dừng hoạt động. Nếu tổ chức đề nghị thời hạn ngắn hơn, giấy phép sẽ được gia hạn theo thời hạn đó.
2.3. Các công trình phát điện bán điện có công suất lắp đặt dưới 01 MW sẽ được miễn trừ giấy phép phát điện. Đồng thời, công trình phát điện để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác: Không giới hạn quy mô công suất đối với công trình không đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; hoặc Công suất lắp đặt dưới 30 MW đối với công trình có đấu nối vào hệ thống điện quốc gia sẽ được miễn giấy phép hoạt động điện lực.
3. Thẩm Quyền Cấp Giấy Phép
Bộ Công Thương và Ủy Ban Nhân Dân cấp Tỉnh (UBND cấp Tỉnh) là các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực, cụ thể như sau:
(a) Bộ Công Thương phân cấp cho Cục Điện lực cấp giấy phép cho các trường hợp sau:
(i) Hoạt động phát điện nhà máy điện hạt nhân, nhà máy điện gió ngoài khơi, nhà máy điện trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên không phân biệt quy mô công suất và nhà máy có quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch được phê duyệt: từ 50 MW trở lên đối với nhà máy điện gió gần bờ và trên đất liền, nhà máy điện mặt trời; từ 15 MW trở lên đối với nhà máy điện rác, nhà máy điện sinh khối; từ 05 MW trở lên đối với nguồn điện khác, trừ hoạt động phát điện mặt trời mái nhà;
(ii) Hoạt động truyền tải điện;
(iii) Hoạt động phân phối điện có phạm vi hoạt động trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc có quy mô cấp điện áp từ 110 kV trở lên;
(iv) Hoạt động bán buôn điện, bán lẻ điện có phạm vi hoạt động trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên hoặc có quy mô cấp điện áp từ 22 kV trở lên;
(v) Tổ chức đề nghị cấp giấy phép cho nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực hoạt động thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Công Thương và UBND cấp Tỉnh; và
(vi) Phạm vi thị trường bán buôn điện, bán lẻ điện cạnh tranh thuộc địa bàn từ 02 tỉnh trở lên.
(b) Ngoại trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, UBND cấp Tỉnh cấp giấy phép đối với các trường hợp sau đây:
(i) Hoạt động phát điện có quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch được phê duyệt: dưới 50 MW đối với nhà máy điện gió gần bờ và trên đất liền, nhà máy điện mặt trời; dưới 15 MW đối với nhà máy điện rác, nhà máy điện sinh khối; dưới 05 MW đối với loại hình nguồn điện khác; không giới hạn quy mô công suất đối với điện mặt trời mái nhà;
(ii) Hoạt động phân phối điện có quy mô cấp điện áp dưới 110 kV; và
(iii) Hoạt động bán buôn điện, bán lẻ điện có quy mô cấp điện áp dưới 22 kV.
Tác giả:
Đức Anh Nguyễn: LS Cộng sự Cao cấp, Dentons Luật Việt
Tính Nguyễn: LS Cộng sự Sơ cấp, Dentons Luật Việt